Thế cân bằng Quốc_hội_Hoa_Kỳ

Ảnh hưởng của quốc hội đối với tổng thống thăng trầm theo dòng lịch sử. Cả ngành hành pháp lẫn ngành lập pháp đều không muốn kiểm soát chính quyền cho đến nửa cuối thế kỷ 19, khi cán cân quyền lực nghiêng về phía quốc hội. Vụ luận tội Andrew Jonhnson, cùng với việc thiếu hiệu quả của hầu hết tổng thống trong Thời kỳ Hoàng kim khiến chức vụ này ngày càng suy yếu so với quyền lực của quốc hội. Cuối thế kỷ 19, tổng thống Grover Cleveland cố gắng phục hồi quyền lực của ngành hành pháp, phủ quyết hơn 400 dự luật chỉ trong nhiệm kỳ đầu của ông. Thế kỷ 20 chứng kiến sự trỗi dậy của quyền lực tổng thống trong các nhiệm kỳ của Theodore Roosevelt (1901–09), Woodrow Wilson (1913–21), Franklin D. Roosevelt (1933–45), Richard Nixon (1969–74), Ronald Reagan (1981–89), và George W. Bush (2001–).[6] Gần đây, dù quốc hội đã cố gắng hạn chế các quyền của tổng thống bằng những đạo luật như Congressional Budget and Impoundment Control Act năm 1974 và War Powers Resolution, tổng thống vẫn có thể duy trì cho mình quyền lực lớn hơn thời thế kỷ 19.[6]

Một trong những chức trách không lập pháp quan trọng nhất của quốc hội là đìều tra và giám sát nhánh hành pháp. Quyền này được uỷ nhiệm cho các uỷ ban - thường trực, đặc biệt, tuyển chọn hoặc liên viện (thành viên đến từ hai viện).

Các cuộc điều tra được tiến hành để thu thập thông tin phục vụ công tác lập pháp, kiểm tra tính hiệu quả của các đạo luật đã được thông qua, và để tra vấn về phẩm chất và thành tích của các thành viên và các viên chức của hai nhánh còn lại trong hệ thống tam quyền phân lập của Chính phủ Hoa Kỳ. Các uỷ ban có quyền tổ chức những buổi điều trần, và nếu cần, có quyền bắt buộc các cá nhân ra làm chứng bằng cách ra trát triệu tập nhân chứng. Nhân chứng nào từ chối ra làm chứng có thể bị buộc tội khinh mạn, còn ai làm chứng dối sẽ bị buộc tội man khai. Hầu hết các cuộc điều trần đều tiến hành công khai; các cuộc điều trần quan trọng thường thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hiến pháp dành cho Viện Dân biểu quyền luận tội các viên chức liên bang (cả hành pháp và tư pháp) về "tội phản quốc, hối lộ, các tội hình sự và hạnh kiểm xấu". Thượng viện có quyền xét xử các vụ luận tội. Một đa số tương đối (quá bán) tại Viện dân biểu là đủ để luận tội một viên chức, nhưng phải cần có đa số tuyệt đối (hai phần ba) tại Thượng viện mới có thể buộc tội. Một viên chức bị buộc tội đương nhiên bị bãi nhiệm; hơn nữa, Thượng viện có thể ngăn cấm người này giữ các chức vụ công quyền trong tương lai. Không có biện pháp chế tài nào được cho phép trong khi tiến hành luận tội. Trong lịch sử Hoa Kỳ, Viện Dân biểu đã luận tội 16 viên chức, trong đó có bảy người bị buộc tội (một người từ nhiệm trước khi vụ xét xử tại Thượng viện hoàn tất). Chỉ có hai tổng thống Hoa Kỳ bị đem ra luận tội, Andrew Johnson vào năm 1868, và Bill Clinton năm 1999. Cả hai vụ xét xử đều kết thúc với quyết định tha bổng; trong trường hợp của Johnson, chỉ thiếu một phiếu để có đủ đa số hai phần ba hầu Thượng viện có thể buộc tội tổng thống.

Theo Tu chính án 12, quốc hội có quyền phá vỡ thế bế tắc của cử tri đoàn. Nếu không có ứng viên nào giành đủ đa số phiếu của cử tri đoàn, Viện dân biểu sẽ bầu chọn tổng thống từ ba ứng viên có số phiếu cao nhất của cử tri đoàn. Tương tự, nếu không có ứng viên phó tổng thống nào có đủ đa số phiếu của cử tri đoàn, Thượng viện sẽ chọn một trong hai người có số phiếu cao nhất.

Có một số quyền Hiến pháp chỉ dành riêng cho Thượng viện. Tổng thống không thể bổ nhiệm các viên chức chính phủ, thẩm phán và những viên chức cao cấp khác mà không có "sự cố vấn và đồng ý" của Thượng viện. Thượng viện thường phê chuẩn các ứng viên do tổng thống đề cử, nhưng việc bác bỏ không phải là không thường xảy ra. Thêm vào đó, tổng thống chỉ có thể phê chuẩn các hiệp ước khi có sự đồng thuận của đa số hai phần ba tại Thượng viện.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quốc_hội_Hoa_Kỳ http://www.cbsnews.com/stories/2003/06/24/politics... http://zeenews.india.com/Nation/ng%C3%A0y http://www.infoplease.com/spot/womensfirsts1.html http://www.signonsandiego.com/news/politics/200512... http://www.thegreenpapers.com/Hx/SessionsExplanati... http://www.washingtonpost.com/ac2/wp-dyn?pagename=... http://www.congress.gov http://files.eric.ed.gov/fulltext/ED450062.pdf http://bensguide.gpo.gov/9-12/lawmaking/index.html http://www.house.gov/